Câu chuyện về ProAc

 Mùa hè năm 1989, dòng loa Response của ProAc chính thức ra mắt thị trường. Kể từ đó, những sản phẩm kế tiếp nhau của ProAC vẫn luôn được coi là biểu tượng kế thừa tinh hoa cho phong cách nghệ thuật chế tạo loa của nước Anh, xứ sở sương mù.

Câu chuyện về sự hoàn hảo trong âm thanh của ProAc bắt nguồn từ một công ty mang tên Celef Audio mà nhân vật chính là Stewart Tyler – nay là ông chủ của ProAc. Khi còn là một thiếu niên, theo truyền thống gia đình, cậu bé Stewart Tyler đã thường xuyên dự các buổi hòa nhạc thính phòng, và nhanh chóng cảm nhận được tình yêu của mình đối với âm nhạc, nhất là nhạc cổ điển. Trong suốt thời thanh niên, Tyler đã được chứng kiến quá trình phát triển diệu kỳ về công nghệ của các thiết bị hifi, đặc biệt là sự cách tân nhanh chóng của các thiết bị điện tử, các công nghệ xử lý kỹ thuật số... Nhưng có vẻ như lĩnh vực chế tạo loa lại không đuổi kịp được những bước tiến mạnh mẽ đó. Ông thấy thật khó khăn khi đi tìm một bộ loa nào có thể tái hiện hoàn chỉnh được thứ âm thanh tự nhiên tuyệt vời mà ông được nghe ở các buổi hòa nhạc. Mua và đổi, đổi rồi lại mua… Cho dù hệ thống âm thanh của S. Tyler đã vào loại đỉnh cao thời đó, nhưng ông vẫn chưa cảm thấy hài lòng và cho rằng chính đôi loa là nguyên nhân cơ bản khiến âm thanh chưa hoàn hảo. Điều này đã thúc đẩy Tyler chế tác ra chiếc loa đầu tiên của mình.

Tuy nhiên, chỉ tới năm 1972 công việc này mới chuyển từ thú vui DIY (Do It Yourself - Tự làm) đơn thuần sang đam mê nghiêm túc. Những bài học về điện tử và điện âm học thu thập được từ trường cao đẳng kỹ thuật De Havilland (London), đã giúp đỡ ông rất nhiều trong quá trình tạo nên Celef Monitor, một bộ loa nhỏ gọn 2 đường tiếng thành công rực rỡ về sau này. Năm 1973, Tyler quyết định thành lập công ty Celef Audio. Sản phẩm chính thức đầu tiên của Celef Audio chính là bộ loa nhỏ Celef Monitor. Thiết kế của Celef mang trong mình nhiều bước đột phá mang tính cách mạng vào thời đó: cổng reflex thiết kế đặc biệt, thùng loa có kết cấu tiêu âm, loa bass được cải tiến, crossover với mạch điện phân tần riêng biệt cho 2 dải âm tần… Quan trọng hơn, nó đã xác định phong cách riêng cho mọi thiết kế của Tyler về sau với những đặc trưng âm thanh: trong trẻo, mềm mại và đầy chi tiết – những tiêu chí đã dẫn đường cho công việc mà ông đã quyết định dành cho nó trọn cả cuộc đời. Celef Audio nhanh chóng phát triển mạnh trong thập niên 70.

Sau Monitor, nhiều dòng sản phẩm mới đã ra đời và nhanh chóng gặt hái thành công cùng những lời ngợi khen của báo chí và các audiophile đích thực. Điểm nổi bật của các sản phẩm Celef Audio là chất lượng cao với giá thành khá hợp lý. Tên tuổi Celef nhanh chóng vươn xa, với nhiều văn phòng và chi nhánh ở các quốc gia lớn. Và công ty Celef của riêng nước Anh đã trở thành Celef Audio International mang tầm quốc tế. Đầu những năm 80, trước sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ số, đầu đĩa CD đã ra đời, đồng thời với đòi hỏi ngày càng khắt khe của giới hâm mộ âm thanh đã khiến công ty Celef đứng trước thử thách phải có sự thay đổi đột biến về chất lượng sản phẩm. ... Và ProAc (viết tắt của Professional Acoustic) được thành lập như một công ty con của Celef Audio International.

Thay đổi lớn nhất trong thiết kế của các sản phẩm ProAc so với Celef là các loa con đẳng cấp hi-end được thiết kế và chế tạo khác biệt hoàn toàn. Chất lượng âm thanh vượt trội, nhưng cũng đồng nghĩa với giá thành cao hơn hẳn các thế hệ trước đây. Model ProAc đầu tiên, một thiết kế 3 đường tiếng với tên gọi tương ứng “Studio Three” ngay lập tức gây ấn tượng mạnh mẽ với giới audiophile cao cấp. Một số tạp chí âm thanh của Anh đã đánh giá đây là “loa cột tốt nhất thế giới”.Chỉ sau đó không lâu, một model mới ra đời – Tablette - tạo được thành công tới mức gây ngạc nhiên cho chính ProAc.

Tính cho tới nay đã có trên 50.000 cặp Tablette được bán ra trên khắp thế giới mà cung vẫn không đủ cầu. Thế hệ mới nhất của dòng loa này, bộ Tablette Reference 8 Signature, được dân chơi coi như một trong những cặp loa hay nhất trong số các loa bookshelf hi-end trên thị trường. Sản phẩm của ProAc có thể chia làm một số dòng chính: Tablette - dòng loa bookshelf kích thuớc nhỏ; Response với khá nhiều model đa dạng phục vụ các yêu cầu cho dân chơi hi-end khác nhau; Response - dòng loa Studio với giá thành nhẹ nhàng hơn… Tất cả sự đa dạng hóa sản phẩm này nhằm cho phép một số lượng lớn người yêu âm nhạc có thể đến với chất lượng âm thanh của ProAc.

Thực tế cho thấy kể từ khi phát triển nhiều dòng loa khác nhau (từ năm 1993 tới nay), ProAc đã đạt doanh số tương đối lớn và tên tuổi của hãng đã được biết đến khá nhiều. Từ ngày khởi đầu cho tới hiện nay, mỗi sản phẩm mang thương hiệu ProAc đều được làm hoàn toàn thủ công bằng tay và thử nghiệm kỹ lưỡng trước khi xuất xưởng. Và một điều quan trọng không thể không nói tới, đó là tất cả các dòng loa của ProAc đều có xuất xứ chính hiệu từ Anh. Stewart Tyler, ngoài việc tập trung thời gian cho các bản thiết kế quan trọng của mình, vẫn luôn luôn quan sát từng chi tiết một trong quy trình sản xuất của nhà máy. Cùng vợ và các con, cũng là những nhân viên của ProAc, người đàn ông hơn 50 tuổi này vẫn sát cánh bên những nhân viên trung thành để làm nên những sản phẩm loa mang lại âm thanh với một phong cách rất riêng. Triết lý sản xuất của ông là “không làm ra những mẫu loa rẻ, mà làm ra những sản phẩm tái tạo âm thanh xuất sắc”, theo đúng tiêu chí “tự nhiên tuyệt đối” mà công ty đã theo đuổi gần 20 năm nay...

Tin tức nổi bật

Bài viết mới nhất