Vandersteen 2Ce signature II - đẳng cấp từ sự giản dị

Tiếp sau model 2C trơn, Vandersteen tiếp tục đưa ra những version cải tiến là 2Ci, 2Ce, 2Ce signature và mới nhất là 2Ce signature II, được bán với giá 2750 USD (giá tham khảo tại thị trường Mỹ). 

 

Vandersteen Audio là hãng sản xuất thiết bị âm thanh có trụ sở đặt tại Hanford, California, với bề dày hoạt động trên 20 năm. Sản phẩm chính của hãng là các cặp loa dành cho giới audiophile, được đánh ký tự từ thấp đến cao tương ứng với chất lượng và giá thành: Vandersteen model 1C, model 2Ce, model 2Ce signature, model 2Ce signature II, model 3A và model 5A.

 

from-stereophile.jpg

Ý tưởng thiết kế giản dị nhưng hiệu quả

Trước khi trở thành chủ hãng sản xuất loa, Richard Vandersteen là một kỹ sư âm thanh của quân đội Mỹ. Ông say mê nghiên cứu về công nghệ chế tạo loa và đã tích cóp tiền để mua về những cặp loa nổi danh thời bấy giờ như AR3A, Quad ESL, JBL monitor... chỉ để nghiên cứu, đo đạc và tìm ra những ưu, khuyết điểm của từng cặp được coi là đỉnh cao vào thời bấy giờ. Trong số đó, ông kết nhất âm thanh tự nhiên, với trung âm cực kỳ truyền cảm của cặp loa mành Quad ESL (Anh), cho dù qua đo đạc thì cặp loa này cho một kết quả kém nhất. Richard Vandersteen ngộ ra một điều rằng, bí quyết để tạo nên trung âm truyền cảm và vô cùng chính xác của cặp loa tĩnh điện Quad ESL là kết cấu tấm phẳng Quad ESL giúp nó tránh được những yếu điểm của loa điện động thông thường, như hiện tượng lệch pha, méo do giao thoa sóng âm giữa pha và hiện tượng méo tiếng do năng lượng phát sinh từ phía sau màng loa. Tuy nhiên, loa Quad ESL cũng có nhiều yếu điểm, như: không có khả năng tái tạo dải âm trầm, méo tiếng khi mức tín hiệu đầu vào lớn... Từ đó, Richard Vandersteen đã nung nấu ý định chế tạo những cặp loa khắc phục được những yếu điểm của loa điện động đóng theo kiểu thùng cộng hưởng truyền thống và có được âm thanh tự nhiên và chính xác như loa mành.

Vandersteen nhận định, hạn chế của những cặp loa trên thị trường chủ yếu do 2 yếu tố. Trước hết là chất lượng của củ loa (driver) cũng như bộ phân tần chưa tốt. Thứ hai là cách thức thiết kế thùng loa và bố trí các driver. Chính kiểu bố trí các loa thành phần trên cùng một mặt phẳng đã tạo ra nhiều khiếm khuyết. Âm thanh phát ra do rung động của màng loa có hình dạng sóng. Ngay khi sóng âm tiếp xúc với bề mặt ngoài của loa sẽ phát sinh những sóng giao thoa ngược chiều làm méo mó âm thanh. Bề mặt ngoài của loa càng rộng thì hiện tượng méo tiếng đó càng nặng. Vì thế, Vandersteen cho rằng cần phải giảm thiểu diện tích bề mặt ngoài của thùng loa nơi các củ loa được gắn vào, kết hợp với việc bo tròn các cạnh để sóng âm không thể phản xạ vào bề mặt ngoài của thùng loa. Bên cạnh đó, với kiểu thùng cộng hưởng truyền thống thì năng lượng phát ra từ phía sau của màng loa cũng có thể tác động ngược trở lại, làm cho dao động của màng loa giảm sự tuyến tính. 

Năm 1977, hãng loa Vandersteen bắt đầu đưa ra thị trường những mẫu loa có kết cấu thật độc đáo, cố gắng giảm tối đa thể tích thùng và làm hẹp bề mặt chính diện của thùng loa. Thùng loa được chế tạo theo kiểu thùng ống dẫn âm (transmission line). Với kiểu thùng này, năng lượng phát ra từ phía sau của màng loa chạy theo hệ thống ống dẫn và bị triệt tiêu hoàn toàn bởi các vật liệu tiêu âm khiến cho chúng không thể quay ngược trở lại tác động vào màng loa. Góc độ hướng âm và vị trí của từng loa thành phần cũng được tính toán kỹ lưỡng, bố trí trên một bề mặt nghiêng để đảm bảo không có độ trễ pha khi tới tai người nghe. Loa trầm được thiết kế theo kiểu kéo - đẩy với 2 loa ngược chiều với nhau và hoạt động trên cùng một pha tín hiệu. Vandersteen cũng là hãng sản xuất loa đầu tiên áp dụng phương thức phân tích FFT trên hệ thống computer, vốn được coi là cực kỳ phức tạp và chỉ được ứng dụng trên công nghệ vũ trụ tại thời điểm đó, để ứng dụng trong đo đạc và thiết kế loa. Chính vì sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt công nghệ và với cách thức thiết kế hợp lý mà những sản phẩm đầu tiên của Vandersteen, từ model 1C đến 2C, đã ngay lập tức chinh phục được giới audiophile bởi đặc tính âm thanh độc đáo: tự nhiên, ấm áp và vô cùng chính xác. Kể từ đó đến nay, cho dù không ngừng có những cách tân, song về cơ bản các sản phẩm của Vandersteen vẫn trung thành với các quan điểm thiết kế truyền thống.

Vandersteen 2Ce signature II - cặp loa đáng giá nhất xét trên hiệu quả đầu tư Model 2C là một thành công ấn tượng của hãng loa Vandersteen và của cả ngành công nghiệp sản xuất loa nước Mỹ, với số lượng tiêu thụ kỷ lục: gần 200.000 cặp! Tiếp sau model 2C trơn, Vandersteen tiếp tục đưa ra những version cải tiến là 2Ci, 2Ce, 2Ce signature và mới nhất là 2Ce signature II, được bán với giá 2.150 USD (giá tham khảo tại thị trường Mỹ).

Là một sự nâng cấp đáng kể so với model 2Ce signature I, 2Ce signature II thừa hưởng một số chi tiết trong thiết kế được áp dụng với dòng loa cao cấp 3A với giá thành cao gần gấp hai lần. Loa tép của 2Ce signature II cũng là loại tép đom nhôm phủ gốm và loa trung xương gang đúc, nam châm alnico y như trong model 3A. Hệ thống loa trầm gồm 2 loa ngược chiều với nhau 180o, được đặt trong thùng kín. Loa phía trước đường kính 20 cm, đặt hàng của hãng Vifa (Đan Mạch), hoạt động trong dải tần số 35 Hz-600 Hz; loa phía sau có đường kính 25 cm, đặt hàng của hãng Scan Speak (Đan Mạch) được cắt ở tần số thấp hơn để bù dải trầm dưới 35 Hz. Cả 2 loa trầm đều là loại bô bin kép. Với thiết kế kiểu này, dải trầm của 2Ce signature II có thể xuống được tới 28 Hz mà không bị rối. Toàn bộ vỏ thùng loa được làm bằng gỗ MDF khá dày, cắt tạo hình trên máy CNC và được lồng vào một lớp vỏ ê căng bao ngoài, không khác gì so với kiểu dáng truyền thống của các model trước. Để tăng cường chất lượng âm thanh, hãng Vandersteen có trang bị thêm cho cặp loa này một bộ chân đế gia trọng bằng cát và có các chân thép nhọn để triệt tiêu rung chấn. Tuy nhiên, bộ chân này được bán rời với giá khoảng 150 USD như một option phụ thêm chứ không đi kèm theo máy. 

Bộ phân tần của 2Ce signature II cũng có sự nâng cấp so với bộ phân tần trong model 2Ce, với các cuộn cảm lõi không khí trở kháng thấp, tụ film loại tốt và được hàn thủ công với toàn bộ dây dẫn bằng đồng OFC 6 số 9 có độ thuần khiết cao và không bị ôxy hóa. Như các model khác của Vandersteen, bộ phân tần trong 2Ce signature II cũng vẫn là phân tần bậc một (6dB) đơn giản nhất. Trái với quan niệm của đa số hãng loa hi-end, Vandersteen cho rằng phân tần bậc một là dạng phân tần tốt nhất để đảm bảo sự chính xác của các pha tần số. Phân tần bậc nhất đảm bảo cho mỗi loa thành phần chỉ hoạt động ở một dải tần số nhất định, vì thế không có sự chồng pha như thường xảy ra ở các bộ phân tần bậc cao. Sự trả giá của thiết kế phân tần bậc nhất là dải động và độ phân giải của loa có thể kém hơn so với các thiết kế phân tần dốc đứng. Song, Richard Vandersteen luôn cho rằng sự chính xác của pha và thời gian mới là những yếu tố quan trọng để tạo nên chất lượng âm thanh. Và thực tế đã cho thấy là ông hoàn toàn đúng.

Ngay từ những nốt nhạc đầu tiên được cất lên, 2Ce signature đã hoàn toàn chinh phục người nghe. Vẫn với đặc trưng dễ nhận ra của các sản phẩm Vandersteen: âm thanh tổng thể sạch sẽ, ấm áp, tự nhiên và chi tiết, nhưng 2Ce Sig. II còn đem lại cho người nghe nhiều hơn thế. Trung âm truyền cảm, mượt như nhung, hiện hữu tới từng hơi thở và không có cảm giác bị cường điệu hóa. Dải trầm sâu, chắc mà không bị dội âm; phần trung trầm rất tốt. Dải cao cũng rất ấn tượng, tách bạch, lung linh và lan tỏa. Không gian của cặp loa này rộng và khoáng đạt, âm sắc của giọng ca và các nhạc cụ có độ chính xác cao.

Càng nghe, ta càng cảm nhận rõ hơn về đặc tính tự nhiên của cặp loa này. Nếu như ở với một số cặp loa đắt tiền khác, người ta có thể chú ý tới khả năng xử lý xuất sắc ở một dải tần số nào đó, hay ở độ động, độ phân giải, thì ở Vandersteen 2Ce signature II, những cảm nhận đó hoàn toàn biến mất. Không cần phải chú ý lắng nghe để đánh giá thiết bị, bạn sẽ tự nhiên cảm thấy được hòa mình, đắm chìm hoàn toàn trong không gian âm nhạc, kể cả khi đặt mức âm lượng nhỏ. Chính bộ phân tần đơn giản bậc một được tính toán kỹ lưỡng đã đóng vai trò như một người nhạc trưởng tài ba chỉ huy từng nhạc công là các loa con trình diễn đúng với chức năng. Sự hòa quyện khéo léo của các dải tần số, sự chính xác về pha và thời gian đã tạo nên một ấn tượng vô cùng dễ chịu đối với người nghe.

Có thể nói rằng đây là cặp loa mang lại nhiều cảm xúc. Độ nhạy 86dB, trở kháng danh định 6,8 ohms, Vandersteen 2Ce Sig. II không dễ nhưng cũng không quá khó tính trong phối ghép. Ghép thử với các amply bán dẫn, amply đèn kéo - đẩy hay với amply hybrid, cặp loa này đều trình diễn xuất sắc. Đặc biệt, Vandersteen 2Ce Sig. II không kén phòng nghe. Bạn có thể đặt nó trong một căn phòng chưa được xử lý nhưng vẫn không cảm thấy khó chịu với tiếng bass. Tất nhiên, 2Ce Sig.II sẽ phát huy tối đa hiệu quả ở một căn phòng được xử lý tiêu, tán âm tốt Cặp loa này cũng cần có thời gian chạy rà tương đối lâu để thuần dưỡng màng loa bằng vật liệu polymer và tép đom nhôm. Đơn thuần để nghe nhạc thì đây là một cặp loa hoàn hảo; còn nếu để xem phim, những ai thích nghe tiếng động rung chuyển của sấm rền và đại bác có thể bổ sung một subwoofer cũng của Vandersteen.

Giống như một cô thôn nữ, Vandersteen 2Ce Sig. II dung dị về hình thức nhưng để lại ấn tượng khó quên ngay từ lần gặp đầu tiên. Thật dễ hiểu khi đa phần dân chơi âm thanh có kinh nghiệm trên khắp thế giới đều chung quan điểm cho rằng Vandersteen 2Ce Signature Mark II là sự lựa chọn số 1 trong tầm giá trên dưới 2.000 USD. Ngoài ra, với số lượng bán ra có hạn thì Vandersteen 2Ce Sig.II còn là một món đồ có giá trị sưu tầm cao.

Trang Hạnh

 

Tin tức nổi bật

Bài viết mới nhất